Tham luận về "Vận dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm thực hiện chương trình GDPT 2018"

          Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị!

          Lời đầu tiên cho phép tôi gửi lời chúc tới quý vị đại biểu, thầy cô, các đồng chí cán bộ công nhân viên về dự Hội nghị sức khoẻ, lời chào trân trọng nhất. Chúc Hội nghị thành công rực rỡ.

          Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo tổng kết và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 của nhà trường do các đồng chí vừa trình bày. Để bổ sung cho bản báo cáo, thay mặt cho các đồng chí GV thuộc tổ Khoa học Xã Hội, tôi rất vinh dự được trình bày tham luận về vấn đề “VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC NHẰM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GDPT 2018.”

Kính thưa toàn thể Hội Nghị!

          Có thể thấy rằng “Đổi mới giáo dục” là cụm từ được không chỉ chúng ta mà toàn xã hội nhắc tới với tần suất cao trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong năm học này, đây là năm học đầu tiên chúng ta thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với khối lớp 10.

          Chắc hẳn trong chúng ta, không ai xa lạ với mục tiêu hình thành 5 phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, 3 năng lực chung và 7 năng lực đặc thù cho học sinh. Có thể nói, với mục tiêu phát triển tốt các phẩm chất và năng lực của học sinh, thì chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang hướng tới chính là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Với sự đổi mới cả về mục tiêu cũng như nội dung thì chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hiện đang được sự quan tâm của toàn xã hội. Vì thế, trong năm học này, trường chúng ta có rất nhiều thuận lợi để thực hiện chương trình mới. Có thể thấy được như:

          - Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm sát sao với việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của chương trình GDPT 2018.

          - Cơ sở vật chất được trang bị khá hiện đại tại các lớp như: máy tính, máy chiếu, mạng internet, phòng thực hành,…để thuận lợi nhất trong việc ứng dụng CNTT và sử dụng các thiết bị trong quá trình học tập.

          - Giáo viên nhiệt tình, tích cực, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học của mình cho phù hợp với tình hình mới.

          - Học sinh ngày càng nhanh nhạy, năng động hơn trong việc tìm kiếm các thông tin cũng như là sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 sao cho thực sự hiệu quả, để đạt được đúng như mục tiêu thì cá nhân tôi thấy không hề dễ dàng. Bởi việc thực hiện chương trình mới còn gặp phải các khó khăn có thể kể đến như:

- Thứ nhất, Chúng ta đang đổi mới dạy học từ cách tiếp cận nội dung kiến thức sang hướng tiếp cận năng lực. Đối với việc bồi dưỡng thông qua các Modun theo chương trình nhưng lần đầu tiên thực hiện, đây là một việc làm không hề dễ dàng, nhất là làm sao để có thể có thang đo năng lực cụ thể nhằm đánh giá từng mức năng lực của từng học sinh thông qua các giờ học là điều không đơn giản.

- Thứ hai, Với sĩ số học sinh trong một lớp học là khá đông với khoảng 40 học sinh, việc áp dụng phương pháp – kĩ thuật dạy học tích cực cũng có hạn chế. Bởi, giáo viên không thể kiểm soát được hết toàn bộ hoạt động học tập của tất cả học sinh trong một giờ học, cũng như không thể đảm bảo cho tất cả học sinh đều phát huy được hết các năng lực của bản thân mình.

- Thứ ba, Điều khó khăn nhất, cũng là điều cá nhân tôi thấy quan trọng nhất, chính là đối tượng học tập của chúng ta. Một bộ phận không nhỏ học sinh chưa chủ động trong việc nghiên cứu bài học, chưa thực sự ý thức được sự cần thiết của việc chủ động học tập để phát triển chính con người các em. Giống như việc các em chưa thực sự xác định được mục tiêu cũng như động lực học tập, khám phá kiến thức vì sự phát triển của chính bản thân mình…

Từ những thực trạng như trên, cá nhân tôi xin mạnh dạn đưa ra một số ý kiến sau, hy vọng có thể góp phần thực hiện tốt hơn chương trình GDPT 2018:

Đầu tiên là, việc học của học sinh cần thay đổi từ thụ động sang chủ động. Nghĩa là học sinh phải là người chủ động tìm tòi, khám phá, tìm ra kiến thức. Tôi tin rằng, kiến thức học sinh có thể tự mình tìm tòi và khám phá sẽ là những kiến thức thực sự là của các em, từ đó các em có thể vận dụng được kiến thức đó và một thời điểm thực sự phù hợp.

Thứ hai là, việc học của học sinh cần phải có sự tương tác nhiều hơn giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên, nhằm dần hình thành và phát triển các năng lực cũng như phẩm chất của các em. Để không chỉ giỏi về kiến thức, quan trọng hơn là các em biết cách chia sẻ kiến thức, biết cách đứng trước đám đông nêu lên ý kiến của mình, biết giúp đỡ bạn bè,… để chúng ta có những học sinh thực sự yêu nước, chăm chỉ, nhân ái, trung thực, trách nhiệm.

Thứ ba là,  học sinh cần được cổ vũ, động viên từ phía giáo viên, cần được ghi nhận và đánh giá đúng, cũng như cần được sửa sai để khắc phục những hạn chế của mình. Việc học là cả một quá trình kéo dài không chỉ 12 năm, 16 năm mà học còn kéo dài cả trọn đời. Chính vì thế, các em cần phải được cổ vũ, động viên và ghi nhận để thấy được dù mình làm chưa thực sự tốt, nhưng mình có nhiều cơ hội để khắc phục. Để các em thấy rằng, ngày hôm nay mình giỏi hơn chính mình ngày hôm qua, nghĩa là mình đã tiến bộ.

Với những điều trên, việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong các giờ học như: dạy học dự án, dạy học hợp tác theo nhóm,… với các kĩ thuật như mảnh ghép, bể cá, chúng em biết 3, …mà chắc hẳn thầy cô nào trong chúng ta cũng biết rất nhiều, những phương pháp đó cần thực hiện nhiều hơn ở trên lớp. Và điều quan trọng nhất, là sau mỗi giờ học, chúng ta sẽ tự mình điều chỉnh lại xem phương pháp đó đã thực sự hiệu quả chưa, có thể khắc phục để đạt hiệu quả cao hơn không? Bởi vì, với nhiều đổi mới trong chương trình, giáo viên phải bỏ nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị một giờ dạy cho phù hợp, nhưng không phải giờ dạy nào cũng sẽ luôn luôn thành công như mong đợi.

Tôi tin rằng, với nhiệt huyết và lòng yêu nghề  toàn thể các đồng chí giáo viên nhà trường đã, đang và sẽ cố gắng từng ngày, hoàn thiện từng ngày để có được những phương pháp dạy học phù hợp hơn, để hiệu quả đạt được cũng dần dần được nâng lên, để các em học sinh ngày một thích đến trường học tập hơn, để ngôi trường của chúng ta dần trở thành một trường học thực sự hạnh phúc.

Cuối cùng, trước khi ngừng lời, tôi xin kính chúc toàn thể quý vị đại biểu, các đồng chí – đồng nghiệp đang ngày ngày cùng tôi trên con đường đào tạo những con người hạnh phúc luôn luôn mạnh khoẻ, vui vẻ, hạnh phúc và thành công!

                                            Cô giáo: Nguyễn Thị Thu Nguyệt

 

Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 126
Hôm qua : 79
Tháng 11 : 1.923
Năm 2024 : 107.920