Khơi dậy “ngọn lửa” học tập trong dạy học trực tuyến

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Giáo viên môn Địa lý, trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Ân Thi, Hưng Yên), đã có những đổi mới, sáng tạo trong việc tìm ra “ngọn lửa” ấy, qua việc dạy học trực tuyến. Như nhà giáo dục học Uyliam Batơ Dit đã từng nói: “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”.

Những khó khăn trong dạy học trực tuyến

Năm học mới 2021 -2022 đã được tám tuần, nhiều địa phương trên cả nước cũng như tỉnh Hưng Yên vẫn chọn phương thức học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dù rất cố gắng, nhưng những thách thức trong dạy và học trực tuyến là không hề nhỏ, bởi đường truyền internet không ổn định hay bị out ra khỏi lớp, thiếu trang thiết bị dạy và học … Việc dạy và học trực tuyến ở mỗi cấp lại có những bất cập khác nhau. Riêng đối với bậc trung học phổ thông, các em đã quen với việc sử dụng các thiết bị như: máy tính, Ipad, di động thông minh… Nên có nhiều em không tự giác học, chỉ mở thiết bị học tập để đối phó với thầy cô. Thậm chí, nhiều em trong lớp còn mở thêm phòng học trong microsoft team, để nói chuyện riêng với bạn hoặc vào zalo, facebook, internet, hay chơi điện tử…, nhằm trốn tránh việc học.

Trong khi đó, không ít phụ huynh bận quá nhiều việc, không có thời gian giám sát con học tập. Một số phụ huynh có thời gian lại không biết hoặc chưa thuần thục  thao tác sử dụng các thiết bị học tập, nên ngán ngại để cho con tự ý sử dụng. Nhiều gia đình chưa đủ điều kiện để trang bị cho con những phương tiện học tập như: đường truyền kết nối mạng, máy tính, laptop hay điện thoại thông minh,… Một số phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến thường đều có bản quyền, tính phí, cách sử dụng cầu kỳ phức tạp. Từ đó, dẫn đến nhiều khó khăn khi nhà trường tổ chức dạy học online.

Khi triển khai dạy học trực tuyến, thầy cô không trực tiếp quan sát được học sinh, không kèm cặp sát được từng em. Các em dễ buồn chán, ngủ gật,….Việc dạy – học trực tuyến không phải là công việc được thực hiện thường xuyên, nên trong quá trình dạy, giáo viên vẫn còn nhiều lúng túng. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế, nhất là giáo viên lớn tuổi. Cách thức triển khai bài giảng như thế nào để hiệu quả, thu hút sự tập trung, lắng nghe của học sinh cũng là vấn đề băn khoăn, trăn trở của không ít giáo viên.

Linh hoạt, sáng tạo trong dạy học trực tuyến

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy trực tuyến sao cho hiệu quả, Cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt ( Giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn) cho hay:

Thứ nhất, thầy cô không chỉ có chuyên môn, biết sử dụng thành thạo công nghệ thông tin mà cần có nội quy học tập nhẹ nhàng nhưng cũng chặt chẽ ngay từ buổi đầu gặp gỡ các em. Lời nói, cử chỉ, giọng điệu nhẹ nhàng, thân thiện, nhất là phải luôn khen ngợi động viên trước khi sửa chữa những sai phạm, những kết quả chưa phù hợp. Từ đó, thầy cô sẽ tạo cho các em một không khí thoải mái, gần gũi, thân thiện. Các em phải được nói, được trình bày, được thể hiện một cách tự nhiên nhất nhưng vẫn đúng mức. Trên cơ sở đó, thầy cô sẽ khơi dậy được hứng thú và hăng say học tập của các em.

Dùng Liveworksheets tạo bài tập tương tác cho học sinh

Thứ hai, bài giảng thiết kế trên Powerpoint cần đơn giản, ngắn gọn, khoa học, đảm bảo các nội dung cơ bản, kênh chữ vừa phải (ít, cô đọng), để tránh tạo cảm giác nhàm chán, khó nhớ. Phải tận dụng các tính năng, hiệu ứng của các phần mềm để làm bài giảng sinh động, bắt mắt, hấp dẫn. Bài giảng nên lưu trữ trong không gian lớp học trực tuyến để các em bị lỗi đường truyền vẫn có thể học được.

    Sử dụng Quizizz để tạo bài tập trắc nghiệm cho HS ôn tập.

Thứ ba, thầy cô cần có sự tương tác nhịp nhàng, liên tục với giáo viên bằng dạng nói hay viết. Chẳng hạn, thầy cô có thể “biến bài trình chiếu trong Power Point thành bảng viết”, thiết kế các trò chơi để học sinh cùng tham gia, hay đặt một câu hỏi ngắn và yêu cầu các em trả lời bằng cách viết đáp án ở khung chát của teams, để tất cả các học sinh đều tương tác với giáo viên …. Thầy cô nêu những câu hỏi ở mức vận dụng từ thấp đến cao để kích thích học sinh phải tư duy, sáng tạo tránh tình trạng thụ động của học sinh. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô hãy giao nhiệm vụ học tập trước cho các em chuẩn bị. Sau đó, thầy cô sẽ đôn đốc, hướng dẫn các em thực hiện nhiệm vụ học tập đó. Đến giờ học, các em sẽ trao đổi, trình bày nhiệm vụ.  Thầy cô giáo là người khích lệ, sửa chữa và dẫn dắt các em lĩnh hội tri thức.

Dùng Google Form để tạo bài tập trắc nghiệm ôn thi cho HS

Thứ tư, Các thầy cô không chỉ sử dụng một phần mềm và tối ưu hóa phần mền đó, mà cần kết hợp một số phần mềm trong quá trình dạy học. Thầy cô có thể tạo hứng thú học tập cho các em bằng cách cho nghe các bản nhạc phù hợp, khi bắt đầu vào phòng. Để tương tác trực quan, thầy cô có thể sử phần mềm Liveworksheets để tạo các bài tập như: điền khuyết, thả kéo, ghép nối, trắc nghiệm… một cách rất sinh động, hiệu quả. Để tổng hợp ý kiến trong thảo luận nhóm, thầy cô có thể sử dụng phần mềm Padled. Phần mềm cho phép học sinh tự làm và trình bày. Sau đó chiếu lên để cả lớp trao đổi, đóng góp ý kiến. Giáo viên sẽ tổng hợp, nhận xét, đánh giá một cách trực tiếp cho học sinh. Các phần mềm hỗ trợ giảng dạy khác như: Google Form, Quizizz…

Sử dụng Power Point thành bảng viết ngay trong khi đang trình chiếu để ghi ý kiến học sinh

Dùng Teams tạo bài tập, có thể chấm điểm và góp ý cho học sinh.

Hiệu quả trong dạy học trực tuyến.

Tâm sự với chúng tôi, em Lê Thị Hồng May (lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn) cũng như rất nhiều học sinh ở các khối lớp khác được học bộ môn Địa lý, do cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt phụ trách giảng dạy cùng có chung cảm nghĩ: “Trong giờ dạy cô luôn mang đến cho chúng em một không khí học tập gần gũi, thân thiện. Các bài dạy của cô rất sinh động, hấp dẫn nên cuốn hút chúng em vào bài học. Chúng em đã được nói nhiều, làm nhiều, nên có thể khắc ghi kiến thức ngay trong tiết học”. Còn thầy Đặng Quang Hoa – GV cốt cán môn Giáo dục công dân của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, tổ trưởng Tổ Xã hội đã cho biết: cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt có chồng là một cảnh sát biển, thường xuyên phải công tác xa nhà, các con lại còn nhỏ. Nhưng cô luôn vượt qua những khó khăn riêng, để tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng linh hoạt các phần mềm vào dạy học, nhất là trong dạy học trực tuyến . Nhờ đó, các giờ dạy vừa đảm bảo kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, vừa sáng tạo, sinh động, hấp dẫn nên đạt hiệu quả cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt cùng chồng – Thiếu tá Nguyễn Xuân Sáng

Trong những năm qua, cô Nguyệt đã chia sẻ, giúp đỡ nhiều đồng nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy. Cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cô đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường. Đặc biệt, năm học 2020 – 2021, cô vinh dự là một chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và đạt giải ba trong Cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning, do Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên tổ chức. Với những thành quả đó, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn đánh giá: Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt là một trong những giáo viên trẻ tiêu biểu của nhà trường đã có tâm huyết, bản lĩnh và quyết tâm rất cao, trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Hơn nữa, cô còn ứng dụng linh hoạt, sáng tạo các phần mềm vào giảng dạy, đặc biệt là dạy học trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến đầy phức tạp trong thời gian qua.

Cô giáo: Trần Thị Thu Thủy

Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 175
Hôm qua : 267
Tháng 09 : 7.728
Năm 2024 : 97.715