Niềm tự hào của thầy trò ngôi trường mang tên Danh nhân Văn hóa tuổi Sửu Nguyễn Trung Ngạn

Bước sang xuân Tân Sửu 2021, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn rất vui mừng, tự hào với Lễ đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử tỉnh Hưng Yên và khánh thành Đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn được tổ chức long trọng vào cuối tháng 1 vừa qua.

Niềm tự hào của thầy trò ngôi trường mang tên Danh nhân Văn hóa tuổi Sửu Nguyễn Trung Ngạn

    Bước sang xuân Tân Sửu 2021, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn rất vui mừng, tự hào với Lễ đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử tỉnh Hưng Yên và khánh thành Đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn được tổ chức long trọng vào cuối tháng 1 vừa qua.        

Nguyễn Trung Ngạn - Thần đồng đất Việt đỗ Tiến sĩ năm 12 tuổi.

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn sinh năm Kỷ Sửu (1289), mất năm Canh Tuất (1370), tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên. Ông là người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ngay từ nhỏ Nguyễn Trung Ngạn đã nổi tiếng là thần đồng. Năm 12 tuổi, ông đỗ Thái học sinh (thời Trần tương đương với Tiến sĩ). Năm 16 tuổi, ông đỗ Hoàng Giáp (1304) – là danh hiệu của học vị Tiến sĩ Nho học trong hệ thống khoa bảng thời phong kiến. Ông là người trẻ nhất trong số 44 người đỗ ở khoa thi này và là một trong ba người trẻ tuổi nhất đỗ đại khoa của tất cả các khoa thi dưới thời phong kiến Việt Nam. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chỉ chép tên ba vị đỗ Trạng Nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa, trong khoa thi nói trên. Riêng Nguyễn Trung Ngạn vì trẻ tuổi nhất, là thần đồng, nên được đặc cách chép vào chính sử.

niem tu hao cua thay tro ngoi truong mang ten danh nhan van hoa tuoi suu nguyen trung ngan
Tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn được xây trong khuôn viên trường THPT mang tên ông ở An Thi, Hưng Yên - quê hương ông

Nguyễn Trung Ngạn – một đại thần tài đức thời Trần.

Nguyễn Trung Ngạn là một nhà chính trị tài ba. Ông đã được nhà vua tín nhiệm cử đi trị nhậm ở những nơi có loạn lạc, dân tình đói kém hay cai trị khó khăn. Nếu kể từ khi thi đỗ Hoàng Giáp (1304) cho đến lúc mất (1370), trong 66 năm, Nguyễn Trung Ngạn làm quan trải qua 5 triều vua ( Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông), giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều: An phủ sứ Thanh Hóa (1326), An phủ sứ Nghệ An (1337), Kinh lược sứ Lạng Sơn-Bắc Giang (1335)… Đặc biệt năm 1341, ông được cử làm Đại doãn ở kinh sư Thăng Long – đứng đầu bộ máy cai trị ở kinh thành Thăng Long thời bấy giờ. Ở đâu ông cũng sâu sát thực tế địa phương, đề ra những chủ trương, biện pháp đúng đắn để giải quyết vấn đề đời sống giúp dân an cư lạc nghiệp, đất nước phát triển. Vì thế, nơi nào ông cũng được nhân dân kính trọng, ngưỡng mộ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn có 7 ngôi đình đền thờ phụng một nhân vật đứng đầu Kinh kì (Thủ đô) nước ta, cách nay gần 7 thế kỷ (đền Tiên Hạ ở 46A Phất Lộc; đền Mã Mây, đền Hương Nghĩa ở 13B Đào Duy Từ...). Hà Nội cũng có một con đường mang tên Nguyễn Trung Ngạn thuộc quận Hai Bà Trưng, để khắc ghi công lao của vị danh nhân này với Thủ đô.

niem tu hao cua thay tro ngoi truong mang ten danh nhan van hoa tuoi suu nguyen trung ngan
Đền thờ Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn tại Ân Thi, Hưng Yên - quê hương ông

Về quân sự, Nguyễn Trung Ngạn cũng có đóng góp rất quan trọng trong triều Trần. Ông được Thượng hoàng Minh Tông cử đi theo đánh giặc Ngưu Hống ở Hà Giang vào năm 1329. Sau đó đến năm 1334-1335, ông lại được cử giữ chức Phát vận sứ, chuyên lo vận chuyển lương thực để Thượng Hoàng đem quân vào vùng Tây Nghệ An chinh phạt giặc ngoại bang và các cuộc nổi loạn ở vùng đất này. Đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi ở đây có địa hình núi non xa xôi, hiểm trở, đường đi là đèo dốc vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Nhưng ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông được vua Trần xuống chiếu sai khắc chữ ghi công vào vách đá. Tấm bia Ma Nhai nằm ở sườn núi cách thị trấn Con Cuông (Nghệ An) 12 km (Bia có 14 dòng, 155 chữ, khắc vào đá sâu đến 1 tấc). Đây là tấm bia khắc trực tiếp lên vách núi vào loại sớm nhất trong lịch sử Việt Nam hiện còn. Đến năm 1342, ông được thăng chức Hành khiển tri khu mật viện sự, làm nhiệm vụ xem xét các việc cơ mật trong triều. Ông còn đặt ra một tổ chức gọi là Khu mật viện quản cấm quân, để bảo vệ những điều cơ mật của bộ não triều đình. Đây là tổ chức cấm quân (cấm vệ…) đầu tiên được Nguyễn Trung Ngạn sáng lập ra, trong khi các triều trước chưa có.

niem tu hao cua thay tro ngoi truong mang ten danh nhan van hoa tuoi suu nguyen trung ngan
Đại hội Chi bộ Đảng trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (Ân Thi, Hưng Yên)

Ngoài tài năng về chính trị và quân sự, Nguyễn Trung Ngạn còn thể hiện tài năng về mặt kinh tế. Năm 1337, ông từng giữ chức vụ Hành Khoái Châu lộ Tải vận sứ, phụ trách việc vận chuyển lương thực, hàng hóa ở vùng Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình…. Ông có sáng kiến cho lập kho chứa thóc ở địa phương gọi là Tào thương để kịp thời cấp cho dân khi đói kém. Sáng kiến của ông còn được vua khen thưởng và truyền cho các lộ (tỉnh) làm theo.

Đối với luật pháp, ông cũng đã để lại những đóng góp rất to lớn. Ông đã giữ chức Thị ngự sử ( 1321), chức Tri thẩm hình viện sự, kiêm An phủ sứ Thanh Hóa (1332). Lúc đó, ông lập ra Bình doãn đường để xét xử, việc làm nghiêm minh không ai bị xử oan hoặc bị xử quá đáng, người dân lúc đó ví ông như Bao Công. Còn về văn hóa giáo dục, ông vâng mệnh Thượng Hoàng Minh Tông biên soạn Thực lục – Tác phẩm ra đời khi ông đi cùng Thượng Hoàng tuần thú ở Đà Giang, tự thân đi đánh Ngưu Hống. Phụng mệnh vua Dụ Tông, ông cùng với danh nho Trương Hán Siêu biên soạn bộ sách Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành. Hai tác phẩm này được xem là cơ sở pháp chế quan trọng của triều đình nhà Trần, nhưng cả hai đều đã thất truyền từ lâu.

niem tu hao cua thay tro ngoi truong mang ten danh nhan van hoa tuoi suu nguyen trung ngan
Các thế hệ HS tự hào về ngôi trường mang tên Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn ở Ân Thi, Hưng Yên

Đặc biệt, Nguyễn Trung Ngạn là một nhà ngoại giao thông minh, mưu trí. Sử sách còn lưu chép lại hai hoạt động ngoại giao của ông. Cuối năm 1314, Nguyễn Trung Ngạn được vua Trần Minh Tông phái ông và Phạm Ngộ sang đáp lễ nhà Nguyên. Hành trình ngoại giao này được ông ghi lại bằng một số bài thơ trong Giới hiên thi tập. Trong chuyến đi này, ông luôn cố gắng làm tròn sứ phận giữ gìn quan hệ bang giao với nước láng giềng nhưng vẫn thể hiện chủ quyền dân tộc, thể hiện qua một số bài thơ của ông:

Vãn tận Thiên hà tẩy giáp binh

Miếu đường vô ý sự Tây chinh

Giang sơn hữu hạn phân Nam Bắc

Hồ Việt đồng phong các sự huynh

( Kéo nước Thiên hà tẩy giáp binh,

Triều đình đâu muốn sự Tây chinh.

Non sông ranh giới chia Nam Bắc,

Hồ Việt đồng phong cùng đệ huynh)

(Bắc sứ túc Khâu Ôn dịch)

Hay: Giang sơn hữu ý phân Nam Bắc,

Man xúc vô tâm dụng giáp binh.

(Núi sông vốn sẵn phân Nam Bắc,

Hai nước mong đâu nỗi chiến trường)

( Thái Bình lộ)

Tài ngoại giao của Nguyễn Trung Ngạn còn được khẳng định vào năm 1324. Sứ bộ nhà Nguyên do Mã Hợp Mưu làm Chánh sứ sang ban lịch và báo tin vua mới (Nguyên Thái Định, Dã Tôn Thiết Mộc Nhĩ) lên ngôi. Bọn chúng nghênh ngang đến gần điện Tập Hiền, vào tận đường ở cầu Tây Thấu Trì thuộc khu Cấm Thành, thấy chữ Hạ mã (xuống ngựa) ở đầu cầu nhưng vẫn không chịu xuống ngựa. Quân thị vệ ngăn lại thì bị chúng nói lời khiếm nhã. Các viên quan Bộ Lễ ra sức thuyết phục bằng thái độ nhún nhường từ giờ Thìn qua giờ Ngọ (khoảng 8 – 12 giờ) mà không đạt kết quả. Vua cử Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra tiếp. Bằng tài ngoại giao và lí lẽ sắc bén, ông buộc sứ giả nhà Nguyên phải xuống ngựa, chịu bưng chiếu thư đi bộ vào điện tiếp sứ giả. Sau sự kiện này, vua Trần Minh Tông rất hài long, ban khen Nguyễn Trung Ngạn.

niem tu hao cua thay tro ngoi truong mang ten danh nhan van hoa tuoi suu nguyen trung ngan
Tượng Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn tại Đền thờ ông tại Ân Thi, Hưng Yên - quê hương ông

Nguyễn Trung Ngạn – một nhà thơ tiêu biểu trong thơ ca thời trung đại

Nguyễn Trung Ngạn còn có tài thơ ca. Ông sáng tác khá nhiều, nhưng hiện nay chỉ mới sưu tầm khoảng 127 bài thơ của ông, trong đó có 84 bài chép trong tác phẩm Toàn Việt thi lục của Lê Qúy Đôn ở thế kỷ XVIII. Thơ ông có âm hưởng khá đa dạng. Với các bài thơ làm khi đi sứ, ta vừa nhận thấy sự nhạy bén chính trị của nhà ngoại giao sáng suốt vừa nhận thấy nỗi lòng luôn khắc khoải mong nhớ quê hương, đất nước của một người có cốt cách thanh cao, coi thường danh lợi.

Lão tang diệp lạc tàm phương tận,

Tảo đạo hoa hương giải chính phì.

Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,

Giang Nam tuy lạc bất như quy

( Dâu già lá rụng tằm vừa chín,

Lúa sớm bông thơm cua béo ghê.

Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt,

Dầu vui đất khách chẳng bằng về)

(Hứng trở về)

Tài thi ca của Nguyễn Trung Ngạn được đánh giá rất cao về nội dung và nghệ thuật. Phan Huy Chú (1782 – 1840), tác giả sách Lịch triều hiến chương loại chí đã viết: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng (Đỗ Phủ). Những câu thơ hay nhiều không kể xiết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém thơ thời thịnh Đường”. Còn Đình nguyên tiến sĩ Phan Huy Ôn (1754 – 1786) đã khẳng định: thơ của cụ (Nguyễn Trung Ngạn) vượt hơn tất cả các trước tác của nhiều thi gia từ xưa tới nay.

Có thể nói, Nguyễn Trung Ngạn hội tụ cả ba phẩm chất của bậc chính nhân quân tử Nho giáo là Nhân – Trí – Dũng. Đúng như lời của Tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại của đại thi hào Nguyễn Trãi) đã ca tụng: Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn là người: Lịch sử ngũ triều thiên tử thánh - Tiệm nhiên trâm hốt diện công hòe (Trải thờ năm triều vua thánh - Hiên ngang trâm hốt, ông xứng mặt Tam công – tức Bao Công).

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011) cũng từng nhận xét: “Nguyễn Trung Ngạn cũng là người đầu tiên sáng tạo ra lối lục ngôn thể, mở đường cho thơ lục ngôn thể của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đời sau…”

Tự hào của thầy và trò ngôi trường quê hương Hưng Yên mang tên Danh nhân văn hóa Nguyễn Trung Ngạn.

Nhận thức được niềm vinh dự khi trường được mang tên Danh nhân văn hóa, Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn (huyện Ân Thi quê hương ông) đã cho xây dựng tượng đài cụ Nguyễn Trung Ngạn trong khuôn viên của trường năm 2017. Tượng đài trở thành một dấu ấn nhằm giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử của mảnh đất địa linh nhân kiệt – Ân Thi (Hưng Yên) cho học sinh, để các thế hệ học sinh có thể tri ân, tưởng nhớ vị Danh nhân văn hóa. Niềm tự hào đó đã chuyển thành hành động của thầy và trò nhà trường. Các thầy cô giáo luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm và phát triển các năng lực, phẩm chất cho các em. Ban chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo kịp thời hiệu quả mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Dó đó, số lượng giáo viên đã học trên chuẩn khá cao (nhóm Toán với gần 100% giáo viên có trình độ Thạc sĩ). Các học sinh luôn tích cực học tập, rèn luyện, tham gia nghiên cứu khoa học… Nhờ đó, các mặt giáo dục của nhà trường đã đạt hiệu quả cao: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của nhà trường trong những năm qua luôn đạt kết quả gần 100%, tỉ lệ đỗ đại học hàng năm đều đạt trên 50%, nhiều em trong đội học sinh giỏi đã đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi, thi học sinh nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Trong cuộc thi Tự hào Việt Nam lần thứ III (năm học 2019-2020), do Trung ương Đoàn tổ chức, trường đã có 1 HS xuất sắc đạt giải Nhất cấp Tỉnh và là thí sinh duy nhất đại diện cho tỉnh Hưng Yên tham gia vòng thi cấp Quốc gia.

Trần Thị Thu Thủy

(Giáo viên trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Ân Thi, Hưng Yên)

Theo nguồn Tầm nhìn. Net

Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7
Hôm qua : 93
Tháng 11 : 2.044
Năm 2024 : 108.041