Kỷ niệm ngày thành lập trường THPT Nguyễn Trung Ngạn - 25 năm hoa thắm giữa đồng xanh

Bây giờ trường THPT Nguyễn Trung Ngạn  Ân Thi không còn “ khiêm nhường nằm ven con lộ nhỏ ” nữa. Trường đã tuổi 25 sức xuân bước đầu xung mãn , quy mô sừng sững cạnh con đường liên tỉnh với một số nhà cao tầng làm phòng học, nhà hiệu bộ, nhà thí nghiệm , thư viện đã chỉnh trang . Đường - sân bê tông rộng rãi, sân vận động xếp vào hàng hiếm đối với các trường  trong tỉnh ; Hàng trăm cây ăn quả, cây xanh bóng mát xum xuê, cảnh quan sư phạm có thể nói đã có phần tươi đẹp . Cơ sở vật chất của trường phục vụ thày giảng dạy công tác , trò học tập đã khá tốt, một môi trường như thế đối với nông thôn có thể gọi là đã khang trang . Hơn năm mươi thày cô giáo cán bộ viên chức và  gần 1700 học sinh đoàn kết , cùng hăng hái ,bền bỉ phấn đấu nên nhiều năm liền trường được công nhận là trường Tiên Tiến xuất sắc và đang tâm nguyện xây dựng thành trường chuẩn quốc gia .

Thời gian trôi , ngoảnh lại cho là “thoi đưa” , ngẫm về 25 năm  trước để trường có được vị thế như những ngày hôm nay thật chẳng dễ dàng gì .

      Ngày kỷ niệm trường 25 năm thành lập , từ đáy lòng , chúng ta trân trọng biết ơn sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng , của UBND tỉnh ,huyện , của Sở giáo dục Đào tạo ,  quý trọng  tấm lòng của lãnh đạo và nhân dân 9 xã khu Nam Ân Thi , ghi nhận  nỗ lực của cả thày và trò trong nhiều khoá.

     Còn nhớ những ngày đầu của 25 năm về trước , trường mới chỉ có 4 lớp , 17 giáo viên học nhờ ở đình Đan tràng,  rồi tranh tre nứa lá , rồi lại đào đắp vận chuyển hàng nghìn mét khối đất tôn tạo dựng xây trường , thật vất vả long đong nhưng cũng vinh quang, rất đáng tự hào .

       Trường có 6 lần đổi, mang 5 tên qua nhiều giai đoạn : 

        Năm 1978 khi mới thành lập , trường mang tên : Phổ thông Trung học vừa học vừa làm Ân Thi .

       Thời kỳ ấy mô hình trường vừa học vừa làm ở Hải Hưng còn ít . Thật đúng là “ Vừa học, vừa làm ” . Sáng học  chiều làm , thày trò cùng lao động . Nào thóc lúa , nào sách vở , thày quần móng lợn bước lên bục giảng , trò sách vở lấm lem ngồi học bài , nhà trường giống như một nông trại nhỏ , học sinh  như nông dân học thêm bổ túc .  Lao động thật lực thế mà quả đầu mùa vần ngọt ngào , dư vị lắng đọng  thảo thơm . Cuối khoá học sinh vẫn đỗ tốt nghiệp tỷ lệ cao , thành phẩm là con người - con người có tri thức hữu hiệu  -  cống hiến cho xã hội . Có em đã được tuyển chọn ngay ra nước ngoài học tập , có em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia , nhiều em thành đạt nay đã là Thạc sỹ, Tiến sỹ , nhà doanh nghiệp . Một học sinh từ mái trường nghèo này sau khi thành đạt đã nói về trường : “ Với những bước chập chững ban đầu , nhà trường đã vươn lên mạnh từ một vùng chiêm trũng ”. Có thể nói thêm rằng : Vùng nước trong , đất như vôi nhưng  tình người thì không bạc .

   Hơn năm sau , 1980  mô hình trường vừa học vừa làm không còn nữa . Ân Thi  xáp nhập với Kim Động  thành huyện Kim Thi . trường đổi thành trường PTTH Kim Thi I . Tên trường thay đổi, tính chất nhà trường thay đổi sự thay đổi này đã làm cho thày trò và nhân dân khu vực tăng phần phấn khởi , càng hăng hái đóng góp và quyết tâm xây dựng trường . Thày trò lại tiếp tục vượt nền , đóng gạch xây trường . Chỗ này gạch , chỗ kia gạch , trong lớp gạch mộc , ngoài sân gạch đỏ , có những lúc hàng 3, 4 lò gạch sừng sững toả khói trên sân . Có gạch là xây trường  ,  nhà trường cử giáo viên toả đi  khắp nơi vận động nhân đóng góp . Các xã và nhân dân đóng góp nguyên vật liệu .Xã này có tre , góp tre , xã kia có phi lao bạch đàn ,góp phi lao bạch đàn . Gạch lành xây , gạch méo cũng xây . Ngói Hồng Vân , ngói Đa Lộc , Nguyễn Trãi, Hạ lễ ,Tiền Phong ...trộn lẫn với nhau tất cả đều roi rói cũng một màu tươi đỏ .  Cứ thế ,từ một dãy , hai dãy rồi ba bốn dẫy phòng học cấp 4 cứ lần lượt  mọc lên . 

     Nếu chỉ nói đến phong trào chung mà quên vai trò lãnh đạo  trong đó có thày hiệu trưởng đầu tiên Nguyễn Văn Luân thì quả là chưa thực sự công bằng . Xuất thân không từ làm ruộng , lại chưa qua trường quản lý song trong công việc lao động , xây dựng và nhất là quản lý chuyên môn thì thày chỉ đạo đâu ra đó , ít ai sánh bằng . Những buổi đầu cơ sở vật chất của nhà trường còn quá đạm bạc đến mức ai đó đứng ngoài nhìn vào , không thể tưởng tượng bên trong lại  là trường học , nhưng khi vào trong thấy các hoạt động của nhà trường thì không thể phủ nhận đó là cơ quan giáo dục có khoa học . Từ các kế hoạch hoạt động chung đến phân công , theo dõi chuyên môn , từ sinh hoạt tổ nhóm đến điều hành giờ dạy trên lớp , sinh hoạt học tập của học sinh , tất cả đều rất bài bản và chuyển động nhịp nhàng . Thày Hiệu phó Chu Văn Sách , phong thái điềm đạm , giản dị , bên chiếc điếu cày như một cán bộ xã song cũng là một trợ lý sắc nét cho hiệu trưởng . Thày có sức bền bỉ  kham khổ chịu đựng để hoàn thành nhiệm vụ . Thày đã hy làm việc cho công tác giáo dục đến hơi thở cuối cùng . Bên cạnh ban quản lý , chi bộ Đảng là một hệ thống lãnh đạo cũng rất có hữu hiệu và uy tín . Thày Hoàng Nhàn một chi uỷ viên xông xáo , năng nổ , hăng hái đến mức có khi chưa phát động đã hưởng ứng . Rồi thày Đoàn Đình Tuyên một nhà ngoại giao kiên trì , đi xin nguyên vật liệu cho trường với phương châm : chưa xin được chưa về ; sẽ còn gõ cửa khi chưa xin đựơc . Có lần đồng chí chủ tịch huỷện đã phải thốt lên : sáng sớm vừa mở cửa đã thấy thày Tuyên đứng chờ xin phiếu mua vôi , mua than  . Thày Vũ Xuân Hoè  một tài năng toàn diện , đức độ mà vui tươi , thày như một con dao pha làm việc gì cũng giỏi . Thày Nguyễn Văn Chú một tổ trưởng Toán tài năng  tháo vát . Thày Nguyễn Quốc Việt bí thư Đoàn năng nổ . Thày Mai Văn Ấn ở trên lớp giảng bài vừa chắc vừa sâu , làm thủ kho sổ sách đâu ra đó  . Thày Đinh Nho Hanh  một thày giáo toán nhưng xuất khẩu thành thơ Thày Đỗ Đình Quyên vừa hóm hỉnh , vừa hăng hái. Rồi Thày Vũ sỹ Đua , Lưu Quang Quỳ  V.v... Các thày đã ra đi , có thày như thày Nguyễn Thanh Đào, Chu Văn Sách , Nguyễn Văn Chú , cô Hoàng Thị Hồng  đã đi xa mãi mãi không bao giờ trở lại,nhưng  tình cảm  nhiệt huyết và phong thái của các thày cô là những di sản vô giá của trường . Noi theo những người đi trước Cô Phạm thị Lý ,Thày Chu Văn Hiển, Đỗ Văn Tuấn , Nguyễn Văn Quề , Lê Xuân Khang và bao thày cô khác là những thế hệ sau đã nối tiếp xứng đáng, góp phần tạo nên truyền thống vẻ vang cho nhà trường .

    Nói đến thày mà không nói đến trò thì cũng vẫn chưa phải là đủ . Mẻ gang đầu tiên vẻn vẹn chỉ 200 học sinh , học tập sinh hoạt như lạc lõng giữa biển lúa vậy mà đã sản sinh ra những Nguyễn Trọng Hoàn học sinh giỏi văn quốc gia - nay là tiến sỹ văn khoa - , những Nguyễn Văn Cẩn thi lần đầu đã trúng tuyển học nước ngoài rồi Nguyễn Văn Vãn , Mai Anh , Đào Anh ,Mai văn Quân ... vào đời trở thành những nhà doang nghiệp tài ba . Nhừng Nguyễn Văn Đáo chiến sỹ QĐND Việt nam, Những Ngô Anh , Nguyễn Đức Tuấn , Nguyễn Văn Thao  , là những nhà giáo mẫu mực, Vũ Sỹ Viên, Phạm  Phúc Đạo  Nguyễn Văn Hoàng ...ở lại quê nhưng vẫn sử dụng được kiến thức đã học phát huy  tài năng trên đồng lúa phục vụ quê hương , trở thành những cán bộ chủ chốt tin cậy của nhân dân .  Như vậy ngay từ buổi ban đầu nhà trường chúng ta đã đạt được những thành tích rực rỡ tạo đà cho các bước tiếp theo đạt thắng lợi vẻ vang . Đầu xuôi  đuôi lọt, gương sáng của lớp đàn anh dẫn đầu đã soi đường cho lớp lớp thế hệ đàn em tiếp bước. Những Vũ sỹ Cường,  Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Minh Đức v.v....những tinh hoa đó đã cô lại thành những thành tích lớn lao của nhà trường :

       Từ 1993 đến1996 giáo dục cấp 3 có biến động do cải cách giáo dục , ở miền Bắc lớp 8 được dãn ra thành lớp 9 và 10 ,  số học sinh của trường giảm , trường đã được xáp nhập với trường  cấp 2 Hồ Tùng Mậu thành trường  phổ thông cấp 2-3 kim thi 1 . Có thêm cấp 2 , với 2 cơ sở cách nhau hàng km , lãnh đạo nhà trường phải chia nhau quản lý , giáo viên phải chạy đi chạy lại cho kịp giờ dạy . long đong lại đến , giáo dục những thế hệ dài từ thiếu niên tuổi 12 đến thanh niên tuổi18,19 là một thử thách mới đối với nhà trường .Thấm nhuần lời Bác dạy : “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua thày dạy thật tốt,trò học thật tốt ” một lần nữa thày trò nhà trường lại bắt tay xung trận . Ban chuyên môn phải nghiên cứu chương trình để chỉ đạo giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12 cho phù hợp . Đoàn thanh niên , giáo viên chủ nhiệm phải đi xâu nghiên cứu thêm tâm lý học thiếu niên để giáo dục cho sát đối tượng .Các hoạt động đa dạng khác cũng được đổi thay. Kết quả không những khó khăn khắc phục mà còn tạo cho trường một kinh nghiệm về công tác tạo nguồn : Muốn có học sinh cấp 3 giỏi, phải giáo dục tốt học sinh cấp 2 . Và với lòng “  yêu người yêu nghề” nhà trường đãvượt qua tất cả để vươn lên đúng là :

                                “ Đi ra khơi biển lạ hoá quen

                                   Nhìn chân trời không còn bỡ ngỡ”.

      Năm 1997 huyện Ân thi tái lập , tỉnh Hưng Yên tái lập , lại một lần nữa trường đổi tên . Lần này trường mang tên PTTH Nguyễn Thiện Thuật . Ngoài lịch sử anh hùng chống giặc của danh nhân Nguyễn Thiện Thụât mà ta đã biết thì nguồn gốc tên trường PTTH Nguyễn Thiện Thuật còn xuất phát từ truyền thống văn hoá của khu vực , đó là sau cách mạng tháng tám , giặc Pháp quay trở lại Hưng Yên , trường trung học Nguyễn Thiện Thuật từ vùng địch hậuThị xã Hưng Yên đã chuyển ra vùng kháng chiến của chúng ta là chợ Thi, Thổ cầu , Mão Xuyên , trường thu hút học sinh của cả tỉnh Hưng Yên , từ Văn Lâm , Mỹ Hào về học .Trong hoàn cảnh vừa kháng chiến  gian nan , vừa học tập gian khó , trường vẫn dạy tốt học tốt ,sản sinh ra biết bao anh hùng chiến sỹ , cán bộ có tài phục vụ cho tổ quốc . Trung học Nguyễn Thiện Thuật là một truyền thống đáng tự hào của nhân dân khu vực chúng ta .Mang tên trường PTTH Nguyễn Thiện Thuật , chúng ta được nối tiếp một truyền thống dài từ khởi đầu cha ông chống Pháp đến cuộc kháng chiến của chúng ta sau này  và thời kỳ xây dựng ngày nay . Phấn khởi trước truyền thống đó, và nhất là từ khi tỉnh được tái lập , được Tỉnh Uỷ, UBND tỉnh , Sở Giáo dục & Đào tạo , được huyện uỷ UBND huyện và nhân dân khu vực nam Ân Thi quân tâm hơn về mọi mặt  nhà trường đã quyết tâm phấn đấu vươn lên hơn nữa  . Xác định rõ ,đây là thời kỳ thuận lợi nhất cho sự vươn lên, lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn đổi mới phương pháp chỉ đạo , đã động viên thày và trò nỗ lực phấn đấu , đã tích cực củng cố khối đoàn kết nhất trí , đã cải tiến phương pháp giảng dạy học tập , đã tăng cường xây dựng mua sắm cơ sở vật chất và quy hoạch lại nhà trường . Kết quả mặt bằng nhà trường được quy hoạch lại , nhà lớp học 3 tầng , nhà hiệu bộ khang trang được mọc lên , khu sân chơi,khu  thể thao , khu thả cá, vườn cây v.v... được quy hoạch đẹp đẽ .Thư viện , phòng thí nghiệm và các phương tiện phục vụ cho dạy và học được trang bị đày đủ hơn và có tác dụng giáo dục tốt . Trật tự kỷ cương trong nhà trường được thiết lập lại , công tác vệ sinh được chú trọng thường xuyên , nhà trường thực sự xanh,sạch,đẹp  .Thày cô giáo và học sinh lên lớp chỉnh trang hơn cả về phương tiện , trang phục , và phong thái , tình cảm thày trò đầm ấm , không khí sư phạm bao trùm , chất lượng chuyên môn và giáo dục toàn diện được nâng lên . Tiếp theo những thày cô lớn tuổi là những mẫu mực sư phạm như  cô Sáng, cô Ngải, Thày Oánh, Thày Thiêm , nhiều thày cô giáo trẻ đã nỗ lực phấn đấu về mọi mặt và đã trở thành thày cô giáo giỏi như cô Hè, cô Ga , cô Lan ,Tách ,Lý , Tâm ,thày Hoạch ,thầy Hải , thày Hoa v.v... Có thày giỏi tất nhiên sản sinh ra trò giỏi Những Nguyễn Thị Lan Anh - học sinh giỏi quốc gia , Vũ Xuân Quảng , Nguyễn Thị Thêu ...  và bao học sinh giỏi khác đã không hổ thẹn với các lớp đàn anh đi trước . Đội học sinh giỏi của nhà trường nhiều năm xếp thứ hạng cao , có năm xếp thứ nhì toàn tỉnh, thứ nhất các trường khu vực . Chất lượng đầu vào tuy thấp nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhà trường rất cao 95% đến 99% đỗ Đại học cũng không thua kém gì các trường có tiếng trong tỉnh . Với phương châm giáo dục toàn diện , nhà trường đã rất chú trọng đến các hoạt động văn thể  Ngoài các đội tuyển văn nghệ ,thể thao cho thi đấu , văn nghệ , thể thao quần chúng được phát huy đều khắp . Những hoạt động đó đã thực sự thu hút học sinh làm cho các em quên đi hoạc xa lánh những tệ nạn xấu . Đội tuyển bóng đá , điền kinh của học sinh , đội bóng bàn của các thày là những đội mạnh trong tỉnh Có những đội như đội nam điền kinh xếp thứ nhì , đội bóng đá xếp thứ 3 trong các đội mạnh của tỉnh . Những thành tich đó đã làm cho cả thày lẫn trò luôn phấn chấn, không khí nhà trường luôn xôi nổi chan chứa tình cảm đoàn kết , tất cả là những nhành lan trong mối quan hệ tổng hoà. “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Danh hiệu trườngTiên tiến xuất sắc chi bộ trong sạch vững mạnh , các đoàn thể vững mạnh năm sáu năm liền nhà trường đạt được thật đáng tự hào , thật không phụ niềm tin tưởng của Đảng, hy vọng của nhân dân .

      Tên anh hùng Nguyễn Thiện Thuật được trường Mỹ Văn - quê hương ông xin lại ,.

     Tháng 1 năm 2003 Trường mang tên THPT Nguyễn Trung Ngạn một danh nhân quê hương Ân Thi , đã từng làm đến tể tướng và có nhiều công với đất nứơc. Ngày đầu mang tên ông , tập thể cán bộ và lãnh đạo nhà trường đã dâng hương kính cáo , đã hứa trước sinh phần ông , quyết tâm xây dựng trường tươi đẹp không để hổ thẹn danh ông . Thế là cả năm học vừa qua, lại Văn lại Toán, lại bộn bề công việc dạy và học , lao động dựng xây tất bật với biết bao gương thày cô mẫu mực , trò giỏi chăm ngoan . Kết quả  :

   - Năm học 2002-2003 nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ năm học , danh hiệu “ Trường Tiên Tiến Xuất Sắc “ vẫn được giữ vững.

   -  Số giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua và giáo viên giỏi ( 11) tăng hơn nhiều so với năm học trước .

   - Số học sinh có giải trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh( 25) tăng, trong đó có nhiều giải nhất đồng đội đứng thứ 6 trong số 24 trường của tỉnh . Học sinh đỗ tốt nghiệp 98,2 %, đỗ thẳng vào Đại học- Cao đẳng 78 em chiếm tỷ lệ cao so với các trường quanh vùng .

    Như vậy nhà trường cũng là một mặt trận .Thày và trò đã thực là những chiến sỹ , trong trận đã không yếu lòng , ngoảnh  mặt . Chúng ta đã nghênh diện vượt qua biết bao khó khăn như thiếu giáo viên , cơ sở vật chất thiếu để hoàn thành nhiệm vụ . Tấm lòng yêu người yêu nghề ấy, nghị lực vươn lên ấy thật là cảm động

     Ngày hôm nay ( 16-11-2003) nhà trường kỷ niệm hai lăm năm thành lập là để nhìn nhận, xem xét đánh giá mình trong bấy nhiêu năm qua , là hình thức “thu mùa” , mùa màng là những kết quả đã đạt , những việc đã làm được , là những con số gắn với sự chuyển biến tự thân về chất trong mỗi một con người , sự chuyển biến tất nhiên của cả một cơ quan . Nhà trường như một gia đình lớn sống chân tình suốt bấy nhiêu nămkhông có một hiện tượng sứt mẻ nào trong tình đoàn kết , hướng thiện và đi về phía trước . Đó cũng chính là cơ sở để giải thích cho những thành tựu , những con số đã nói ở trên .

        Ngày hôm nay , cả thày trò mới và cũ quây quần họp mặt thật vui . Trên cơ sở những thành tích đã đạt nhà trường còn phải tiếp tục phát huy ,tiếp tục khắc phục những tồn tại để đi những bước vững chắc hơn trong thời gian tới để có nhiều học sinh tung cánh vào đời cống hiến hữu hiệu cho sự nghiệp công nghiệp hoá,hiện đại hoá làm cho dân giầu nước mạnh , xã hội công bằng văn minh .

     Trong ngày kỷ niệm này , mỗi thày cô hãy làm người thổi lửa và thắp sáng nó lên trong tâm hồn mỗi một học sinh , mỗi thày cô hãy làm một tấm gương sáng cho học sinh noi theo . Các em hãy phát huy truyền thống hiếu học của người Việt Nam để học tập - tu dưỡng tốt đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân , của đất nước như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi “ Dân tộc Việt Nam có được vẻ vang  sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu ”.

    Chỉ có thế nhà trường mới vững bước đi lên .

                                                                                                                                                     

Bài tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 64
Hôm qua : 500
Tháng 04 : 11.157
Năm 2024 : 43.592