Những hình ảnh khó phai của tập thể giáo viên tổ ngoại ngữ

Nhớ về cô giáo Phạm Thị Minh Sáng, ngày ngày cô vẫn đến lớp nhưng người ta cũng vẫn bắt gặp cô thấp thoáng ở phiên chợ làng. Bên gạo –bên tiếng Pháp cô gánh đều trên vai để rồi học trò của cô dồi dào kiến thức, đủ tự tin tham gia các cuộc thi và rồi gia đình của cô vẫn được đủ đầy. Bên cạnh những giải thi cấp tỉnh mà học trò của cô hàng năm mang về thì không thể không nhắc đến giải Quốc gia do học sinh Trần Thị Lan Anh dinh về cho trường vào năm 1998, điều đó tô thêm sắc đỏ cho bề dày thành tích của trường PTTH Kim Thi 1 ngày ấy.

 NHỮNG HÌNH ẢNH KHÓ PHAI

 

Sau 3 năm thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, trường Phổ thông trung học Kim Thi 1 – nay là trường THPT Nguyễn Trung Ngạn chính thức được thành lập. Tổ Xã hội (gồm môn Công dân, Sử, Địa, và tiếng Pháp) – tiền thân của tổ Ngoại ngữ hôm nay cũng lớn lên từ ngày đó. Như bao miền quê khác trên đất Việt, thầy và trò trường PTTH Kim Thi 1 vừa tham gia lao động sản xuất tại địa phương để xây dựng cuộc sống mới, vừa phải hàn gắn vết thương về tinh thần mà chiến tranh để lại, vừa là người đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp giáo dục tại ngôi trường ở miền quê nghèo khó này. Khó khăn chồng chất khó khăn ấy thế mà thầy trò vẫn hăng say thi đua dạy tốt – học tốt, giành nhiều thành quả đáng kể. Ngưỡng mộ thay !

Những năm đầu của thập niên 90, sau hơn 10 năm kể từ ngày thành lập, ngôi trường đã có thay đổi nhất định về cơ sở vật chất: đã có lớp học xây cấp 4, chưa đẹp nhưng cũng được gọi là vững chãi; rồi cả thầy và trò lại tiếp tục cắt đất, đóng gạch để chuẩn bị cho việc xây khu phòng học hai tầng. Nhọc nhằn là vậy nhưng tình yêu nghề, thương trẻ của đội ngũ các thầy cô giáo bộ môn tiếng Pháp nói riêng và toàn thể hội đồng giáo dục nhà trường nói chung vẫn luôn đong đầy. Thầy cô nào đã từng công tác, học trò nào đã từng cắp sách đến ngôi trường này hẳn không quên hình ảnh rất đỗi “bản sắc” của các thầy cô bộ môn Ngoại ngữ ngày ấy.

Liệu có học trò nào không nhớ câu gọi quen thuộc, hài hước “cái kèo”, “thằng cột” của thầy Nguyễn Văn Dụng – một người thầy – một cựu quân nhân đã để lại chiến trường bên chân của mình. Chiến tranh đã lấy đi một phần cơ thể của thầy khiến dáng đi của thầy không thể “cao cao, thấp thấp”. Những lo toan cuộc sống, những trăn trở của nghề nhà giáo làm đôi vai của thầy cứ trĩu thêm. Gian lao là thế nhưng nụ cười chằng hề tắt trên khóe môi.

Nhớ về cô giáo Phạm Thị Minh Sáng, đồng nghiệp và học trò của cô không quên nhắc đến nghề phụ đã giúp cô gồng gánh gia đình mình – nghề hàng xáo. Ngày ngày cô vẫn đến lớp nhưng người ta cũng vẫn bắt gặp cô thấp thoáng ở phiên chợ làng. Bên gạo –bên tiếng Pháp cô gánh đều trên vai để rồi học trò của cô dồi dào kiến thức, đủ tự tin tham gia các cuộc thi và rồi gia đình của cô vẫn được đủ đầy. Bên cạnh những giải thi cấp tỉnh mà học trò của cô hàng năm mang về thì không thể không nhắc đến giải Quốc gia do học sinh Trần Thị Lan Anh dinh về cho trường vào năm 1998, điều đó tô thêm sắc đỏ cho bề dày thành tích của trường PTTH Kim Thi 1 ngày ấy.

Kể về cô Nguyễn Thị Thúy Hằng hẳn không ai quên hình ảnh cô giáo trẻ với hai bím tóc xinh ngày ngày lên lớp với nét mặt cương nghị nhưng giọng nói thì hết sức nhẹ nhàng, gần gũi. Cô và một số đồng nghiệp của cô gắn mình với dãy nhà tập thể nhỏ bé, đơn sơ. Chật chội đấy, thiếu thốn đấy nhưng trách nhiệm của nghề trồng người vẫn được cô làm tròn. Tận tình, chu đáo, say mê, cô đã thổi tình yêu môn tiếng Pháp vào các thế hệ học trò của mình để rồi nhiều nhiều học trò đã mang không ít giải tại các cuộc thi cấp tỉnh về cho trường. Những thành tích của bộ môn tiếng Pháp mà thầy và trò trường PTTH Kim Thi 1 đã gặt hái được rất đáng tự hào.

Xu hướng hội nhập quốc tế đã tạo nên những thay đổi lớn cho việc lựa chọn bộ môn ngoại ngữ của trường THPT Nguyễn Trung Ngạn - tiếng Anh được quyết định đưa vào giảng dậy. Vì vậy, năm 1998, cô Phạm Thị Hải Châu, rồi năm 2001thầy Nguyễn Anh Trường đã được điều động về giảng dạy tiếng Anh tại trường. Tiếng Pháp, tiếng Anh cùng sống chung dưới mái trường. Sau năm 2000, trường tiếp nhận thêm nhiều giáo viên trẻ của môn tiếng Pháp và môn tiếng Anh về công tác do số lượng lớp học tăng lên đáng kể. Năm 2008 đánh dấu một bước ngoặt lớn với môn Ngoại ngữ, đó là quyết định của UBND và Sở DG&ĐT tỉnh Hưng Yên cử toàn bộ giáo viên môn tiếng Pháp đi học Văn bằng 2 tiếng Anh. Có thể nói đó là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với đội ngũ giáo viên môn tiếng Pháp. Họ đã phải oằn mình để thực hiện công cuộc chuyển đổi. Buồn lắm, tủi lắm, nhưng cứ nghĩ đến bảng đen, phấn trắng, nghĩ đến đám học trò, và nghĩ rằng đây là cơ hội hiếm có để tiếp nhận thêm một ngoại ngữ nữa. Thế là tất cả giáo viên tiếng Pháp lao vào học tiếng Anh: 3 ngày đầu tuần các cô vẫn dậy tiếng Pháp ở trường, ba ngày cuối tuần các cô đi học tiếng Anh, thật khó tin. Các cô đã nhận được tấm bằng tiếng Anh sau gần 4 năm học tập cũng là lúc các cô chính thức gói tiếng Pháp – tưởng chừng nó đã là một phần máu thịt của mình- cất đi. Năm học 2010-2011, tiếng Anh đã được hiển thị toàn bộ trên thời gian biểu của các khối lớp, đặt dấu chấm hết cho môn tiếng Pháp một thời vàng son. Không khỏi ngậm ngùi nhưng giáo viên môn tiếng Anh vẫn đồng lòng tiến bước. Kết quả của sự đồng, lòng hiệp sức là cô giáo trẻ Cáp Thị Yến đã được công nhận là giáo viên dậy giỏi môn tiếng Anh tại cuộc thi Giáo viên dậy giỏi cấp tỉnh năm 2009. Xác định được một trong những mũi nhọn của trường chính là dạy học sinh giỏi. Vì vậy dù còn non trẻ nhưng cô Nguyễn Thị Thương cũng đã rất nỗ lực để có được giải Khuyến khích do học sinh Nguyễn Thị Hường mang về cho trường năm 2011. Rất đáng trân trọng !

Tổ Ngoại ngữ - chính thức được tách ra khỏi tổ Xã hội năm 2004, năm 2018 Tổ lại lần nữa nói lời tạm biệt với cô Nguyễn Thúy Hằng về nghỉ hưu, giờ đây có 6 thành viên. Tất cả đã và đang cùng các tổ bộ môn khác không ngừng học tập, tự bồi dường để nâng cao trình độ nghiệp vụ, cải thiện chất lượng giảng dậy. Các thành viên tổ ngoại ngữ luôn sát cánh bên nhau, học hỏi và sẻ chia nhằm phát huy truyền thống của môn Ngoại ngữ nói riêng và của nhà trường nói chung. Mỗi thành viên của tổ đều tự hứa với lòng mình rằng sẽ không để cho bất cứ điều gì làm vơi đi tình yêu nghề, yêu trẻ và nguyện cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

                                                                                                                                           T/G: Cô giáo Trần Thị Kim Anh

 

Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 54
Hôm qua : 378
Tháng 05 : 431
Năm 2024 : 44.822